TÂN  KỶ  NGUYÊN

TÂN  KỶ  NGUYÊN

 

 

Danh từ Tân Kỷ Nguyên (New Age, New Era) nay đã trở nên quen thuộc và được sử dụng thường trên sách báo.Trong bài này ta sẽ nói về các đặc tính tổng quát của thời đại sắp tới ấy, còn những điểm cần bàn kỹ sẽ được dành cho các số báo sau.

 

Thời Điểm

 

Đúng ra mà nói, tân kỷ nguyên chỉ một thời đại dựa trên tính chất mà khoa chiêm tinh gắn cho nó. Theo đó, quỹ đạo mặt trời sẽ lần lượt đi qua mười hai chòm sao, trong mỗi chòm sao mặt trời sẽ chịu ảnh hưởng chính yếu – hay, vũ trụ lực – phát xuất từ những đấng quản trị các thiên thể đó, mà không phải lực từ chính chòm sao, bởi đất đá chỉ tác dụng lên đất đá, còn tâm linh mới ảnh hưởng được tâm linh. Thời gian mặt trời lưu lại trong mỗi chỗ là 2100 – 2500 năm, thay đổi theo các nguồn tài liệu khác nhau. Bà Blavatsky tính là 2155 năm và ghi như sau:

– Mặt trời vào Dương Cưu Capricorn năm 2400 trước tây lịch.

– Vào Song Ngư Pisces năm 255 trước tây lịch.

– Vào Bảo Bình Aquarius năm 1900 sau tây lịch.

Như vậy tân kỷ nguyên đã bắt đầu từ năm 1900.Một lối khác cho là thời đại Bảo Bình (Aquarian Age) thực sự khởi đầu vào năm 1942. Dựa vào cách nào đi nữa, chúng ta cũng đã chính thức bước qua thời đại mới và đang chứng kiến những năm đầu tiên của nó. Ngoài khoa chiêm tinh, tân kỷ nguyên còn trùng hợp với hai biến cố khác làm cho thời đại thêm đặc biệt. Vũ trụ lực từ các chòm sao chỉ là một trong số các ảnh hưởng bên ngoài tác động lên địa cầu theo chu kỳ, ngoài ra còn ảnh hưởng khác phải kể là là lực những cung. Chúng cũng đi theo chu kỳ, lực cung 6 đang tới cuối thời của nó và lực cung 7 đang tuôn tràn ngày càng mạnh. Ta không biết rõ thời điểm chính xác của việc thay đổi các cung, cũng như mỗi cung sẽ kéo dài bao lâu, nhưng điều ấy không quan trọng lắm, một phần vì nó nằm ngoài sự chi phối của con người, và một phần vì thời hạn các cung rất đỗi phức tạp. Chúng đi theo các chu kỳ lớn nhỏ và một cung chính có thể có nhiều cung phụ. Một cung có thể vắng mặt ở thời nào đó, vì nó là cung phụ chưa biểu lộ của một cung chính, nhưng ở chu kỳ cao hơn, cung ấy lại đang có ảnh hưởng chi phối. Lấy thí dụ ta có cung 6 tàn dần và cung 7 đang mạnh, cung 4 và cung 2 vắng bóng nhưng ở mức độ khác, chúng vẫn có ảnh hưởng vì chúng hiện diện ở chu kỳ lớn hơn, nhất là cung 2 vốn là cung chính của thái dương hệ, bao trùm tất cả những cung khác.

Cũng y vậy, quay trở về mặt chiêm tinh thì tính chất Bảo Bình của thời đại mới càng mạnh hơn, vì gói trọn chu kỳ 2300 năm là chu kỳ lớn 25.000 năm. Hiện thời chu kỳ lớn này  cũng đang bắt đầu và cũng là Bảo Bình, như vậy tân kỷ nguyên mang đặc tính Bảo Bình kép làm cho thời buổi này lạ lùng nhất trong lịch sử nhân loại, và nét ấy được các đấng cao cả lợi dụng tối đa hầu thực hiện thiên cơ. Còn một lực nữa sẽ tuôn vào Bảo Bình là lực của đức Chúa sắp tái xuất hiện, nhưng ta sẽ không bàn hôm nay mà để dịp khác.

Đặc Tính

1– Biểu tượng của Bảo Bình là người đội bình nước trên đầu hay vác ở vai, đang chế xuống; hiểu theo nghĩa bên trong, con người cất giữ khả năng đã phát triển vào bình để dùng vào việc phụng sự, khi có nhu cầu sẽ tuôn ra một cách rộng rãi không giữ lại cho mình, mà lạ thay anh có thể tuôn ra hoài không bao giờ cạn.

2– Không khí là đặc tính của Bảo Bình, thấy qua việc con người dần dần làm chủ không gian, ban đầu là phi cơ rồi phi thuyền với tầm mức không ngừng hướng ra ngoài, đẩy lui thêm giới hạn trong không gian mà con người cảm biết. Cùng một ý di chuyển trong không gian ta có thể kể radio và truyền hình. Bởi tư tưởng mang đặc tính trên, tham thiền ngày càng được hiểu rõ hơn và có nhiều người tập. So sánh Bảo Bình với thời đại trước nó là Song Ngư, ta có chuyện thú vị là trong thời đại Song Ngư với đặc tính nước, hàng hải là nét chính của nền văn minh xưa. Nói khác đi, con người chế ngự được sông nước, đại dương.Về mặt bí truyền, việc làm chủ được không khí dẫn đến việc mọi chuyện trong tương lai trở nên nhẹ, thanh bai hơn, chất liệu ta biết bây giờ sẽ đi lần qua cõi ether, song song với việc nhãn quan hóa tinh tế hơn để thấy được cõi ấy.

3– Về mặt tình cảm, lực tìnhcảm phát xuất từ Bảo Bình sẽ kích thích thể vía con người, giúp nó thành một khối thuần nhất hơn, thành một tập thể huynh đệ không còn màng tới những khác biệt về giống nòi, quốc gia, đưa sự sống con người đi tới chỗ hợp nhất, hòa đồng. Điều này có nghĩa trong một ngàn năm tới và theo cách mà bây giờ ta không sao ngờ được, một sức sống  kết hợp sẽ tràn ngập, nối kết mọi người thành một khối huynh đệ hoàn toàn. Ảnh hưởng về mặt tình cảm của nó sẽ nhằm thanh tẩy thể tình cảm của người, làm cho thế giới vật chất mất đi sức hấp dẫn mạnh mẽ, và có thể vào những giai đoạn cuối của thời đại Bảo Bình nó sẽ đạt tới mức phóng đại lạ lùng về mặt cảm xúc, y như sự quyến rũ quá đáng của vật chất mà con người trải qua vào cuối thời Song Ngư.

Sự tương đồng ấy có là bởi giai đoạn chót của mọi kỷ nguyên, đều cho ra sự phát triển quá mức của đặc tính trội nhất trong kỷ nguyên ấy.Vào lúc này ảnh hưởng của Bảo Bình trên những người hiểu biết và hữu ý góp phần xây dựng tân kỷ nguyên mang tính xây dựng, còn nơi thành phần thấp lại mang tính phá hoại, thí dụ về mặt tình dục.

4– Sang chuyện tâm thức, tân kỷ nguyên sẽ ó những giá trị tâm linh mới, một ý nghĩa mới về cuộc đời, và việc diễn giải ý nghĩa ấy làm cho đời sống hằng ngày được phong phú hơn. Chẳng hạn những ý tưởng của thời đại đang qua như:

– Sự chết
– Sự hy sinh
– Sự cứu chuộc qua trung gian đấng cao cả
– Thay cái thấp bằng cái cao (nhị nguyên)

sẽ nhường chỗ cho

– Sự sống, tính cách bất tử của linh hồn được nhìn nhận
– Phụng sự
– Sự hợp nhất tinh thần giữa cái cao và cái thấp (nhất nguyên) mang lại việc đời sống nhân loại sẽ vang lên nốt mới, chứa đựng hy vọng và hoan lạc, sức mạnh và tự do.

Ta đang sống ở buổi giao thời lúc một thời đại đang chấm dứt và cái khác bắt đầu, nên thế giới có thể được chia làm hai khối người, tùy theo cách đáp ứng của họ với các lực.

● Lực của thời đại Song Ngư còn rất mạnh, vẫn là lực căn bản và hiện giờ có tính phá hoại so với lực mới, làm cản trở ảnh hưởng cái sau. Đây là lực hấp dẫn khối quần chúng đông đảo kém hiểu biết, họ tiếp nhận và có phản ứng với nó vì đối với họ, ấy là con đường dễ dàng ít trở ngại nhất.Họ là những người ít suy nghĩ mà lại dễ tin, có ý thức ở mức trung bình hay kém hơn.

● Lực của Bảo Bình cho ra tác dụng rộng rãi và tổng quát trên cõi ether, thảo mộc, sông nước và trên những ai đã biết sử dụng cái trí ít nhiều. Nó gợi hứng cho ai đi theo các đường lối tư tưởng mới, họ cảm nhận các ý tưởng đang tuôn tràn vào địa cầu, nhưng cách diễn giải có thể sai. Dù vậy, cái đáng nói là họ có khả năng đáp ứng với lực của tân kỷ nguyên, và ảnh hưởng đang có của lực trên tâm trí và não bộ của họ.

Để cho dễ hiểu, ta có thể nói lực Song Ngư mang nét bảo thủ, còn người chịu ảnh hưởng Bảo Bình thường tỏ ra cấp tiến. Tranh chấp vì vậy sẽ xảy ra và không thể tránh được, khi phái bảo thủ muốn duy trì những tín điều, triết lý, phương pháp tuy hữu dụng trong quá khứ, nhưng nay không còn thích hợp với tâm lý và hoàn cảnh mới của đời sống con người, và phái cấp tiến hô hào những giá trị, quan niệm mới phù hợp với tâm tình và trí tuệ của người thế kỷ 21.

5– Không khí có tính tràn lan, hòa lẫn thì Bảo Bình cũng cho ra ảnh hưởng giống vậy, những hoạt động của con người trong tương lai thể hiện đặc tính ấy như sau:

– Về mặt cá nhân, tình huynh đệ đại đồng dần trở nên chuyện thực tế, tâm thức con người từ điểm trụ là cái tôi mở rộng thành tâm thức nhóm rồi ý thức toàn cầu. Điển hình là hiện có rất nhiều phong trào tinh thần hay các tổ chức bất vụ lợi như Amnesty International, Asia Watch, Human Rights Watch.
– Về mặt chính trị là phát triển tinh thần quốc tế.
– Về mặt thương mại, phương thức làm việc đi theo khuynh hướng tổ hợp nhiều quốc gia.
– Về mặt tôn giáo là việc công nhận một niềm tin tưởng chung vào Thượng đế, và vào nhân loại như là thành phần chính (so với các loài khác) biểu lộ tính thiêng liêng trong chu kỳ này.

6– Khoa tâm lý sẽ trở thành khoa học chính trong tân kỷ nguyên, cũng như điện là khoa căn bản của thời Song Ngư. Tâm lý học sẽ phát triển, đạt nhiều thành quả và trở nên hữu dụng trong thời Bảo Bình, người ta sẽ tìm hiểu cái ảnh hưởng làm con người thành chính họ bây giờ, điều tạo nên bề ngoài của một ai. Bạn đoán ra chưa, điều ấy có nghĩa là sự học hỏi về các cung và luật luân hồi là chuyện đương nhiên trong khoa tâm lý mai sau. Người ta sẽ nghiên cứu con người về toàn bộ: tâm thức, tình cảm, xác thân, thay vì chỉ giới hạn vào phần vật chất hữu hình.

 

Vài Sự Kiện Đáng Chú Ý

 

1. Người ta hiểu rằng tân kỷ nguyên sẽ mang lại một nền văn minh mới, tôn giáo mới và trật tự mới trên thế giới. Quả thực những điều này sẽ thành, nhưng trước tiên cần xây dựng do đó cần thời gian, và khuyến dụ được người chấp nhận các giá trị mới mẻ. Ta đừng quên rằng lực của thời Song Ngư tuy đang yếu, nhưng vẫn còn ảnh hưởng đáng kể trên đa số quần chúng, đương nhiên sẽ có va chạm giữa hai luồng tư tưởng như đã nói, và gây ra đổ vỡ, những giá trị cũ từng được quí chuộng, mến yêu sẽ phải bị gạt bỏ, thải hồi nhường chỗ cho giá trị mới. Vậy trong chặng đầu của tân kỷ nguyên, ta sẽ chứng kiến sự chết, tàn lụi và tan rã của những hệ thống tư tưởng lâu đời, định kiến, thói quen suy nghĩ.

Lối sống mới, nền giáo dục mới, thể chế mới đang chậm chạp thành hình và không gì có thể ngăn cản được nó, nhưng tiến trình có thể bị trì hoãn do phản ứng của người bảo thủ, quá thiển cận. Bởi ai bám chặt vào sự hiểu biết chật hẹp của mình, ưa thích sống với cái đã quen thuộc thường sợ hãi cái xa lạ, tựa như thái độ đa nghi với người lạ của nhiều người.

2. Sự thành công của tân kỷ nguyên có nghĩa là phần tinh thần của nhân loại được phát triển mạnh mẽ hơn và do thế, ta phải bàn tới các tà lực. Đó là những năng lực rất mạnh, tác động nhằm duy trì phần vật chất, đường lối cũ xưa, trên hết thảy đó là những lực nhằm làm kết cứng, bảo tồn phần hình thể (có thể là đường lối giáo dục cũ, định chế chính trị không còn hợp thời), tính hấp dẫn của vật chất và vẻ hào nhoáng bên ngoài của hình thể trong ba cõi. Chúng cố tình ngăn chặn sự tuôn tràn của những gì mới mẻ và mang lại sự sống, sự hiểu biết về tân kỷ nguyên, nhằm bảo vệ chuyện gì cũ và quen thuộc, phá hoại ảnh hưởng của nền văn hóa và văn minh mới, làm con người mù quáng, tiếp tục nuôi dưỡng lòng thù ghét, chia rẽ và chỉ trích.

Với tầng lớp trí thức, cái lực này ẩn dưới từ ngữ đẹp đẽ, xúi giục người bày tỏ sự thù ghét kẻ khác, bài bác chủ thuyết, thêm sinh lực vào mầm hận thù có sẵn trong nhiều người. Lòng sợ hãi được giúp cho bùng cháy để giữ lại chuyện xưa cũ, biến điều chưa biết là tân kỷ nguyên thành cái không đáng ao ước, và kềm hãm lực tiến hóa và lực phát triển để được lợi cho chính mình.

Với người chưa hiểu biết, họ là tượng trưng cho tinh thần quốc gia cực đoan, óc chia rẽ, nô lệ và phục tùng mù quáng, óc bè phái trong tôn giáo và sự lệ thuộc vào một thẩm quyền nào đó, hoặc là giáo hoàng hoặc là tín điều; họ chống đối lại mọi tiến bộ và cải cách mới mẻ.

Muốn tránh, người ta có thể tự xếp mình vào hàng ngũ những ai tin tưởng vào tình huynh đệ, sao cho niềm tin ấy là động cơ của mọi hoạt động của ta trong tôn giáo, chính trị và giáo dục, cũng như có tâm thức bao trùm mọi vật, lưu tâm đến toàn khối thay vì một thành phần riêng. Công việc của tân kỷ nguyên chỉ thực hiện được bởi ai không nuôi lòng chia rẽ, không trở thành một tụ điểm cho lòng thù ghét hay thành tác nhân thực hiện lực ấy. Canh giữ thân tâm để không phát các ý vừa ghi, cùng nuôi dưỡng tình thân ái là phương pháp cho người hiểu biết, còn cho đa số có hai điểm đáng nói:

Trước tiên nhân loại phải nâng tâm thức lên cõi trí, mở rộng để bao trùm luôn cõi tình cảm lẫn trí tuệ. Trí não vừa phải linh hoạt vừa phải cởi mở, óc thông minh của trọn loài người cần ở mức cao hơn.

Kế đó là nhu cầu phá tan hàng rào phân ly, cô lập và thành kiến, những chuyện đã làm ngăn cách con người với nhau. Theo với thời gian con người hóa tự mãn, tự hào về nòi giống mình, gây sự chia rẽ sâu xa giữa các dân tộc.

Chuyện đáng mừng là cho tới nay, đã có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết điều này, chẳng hạn:

– Phương tiện truyền thông được sử dụng, làm mọi người cùng biết đến các vấn đề trên thế giới và thấy gần nhau hơn.

– Những tổ chức từ thiện quốc tế làm sống động tình huynh đệ đại đồng.

Ta đã nói sơ về những công việc trong tân kỷ nguyên mà ai cũng cũng có thể góp phần, ngoài ra cũng nên ghi những điểm bất lợi:

Mẫu chủng thứ năm là giống dân chính hiện giờ, có phần việc là mở mang hạ trí. Trong tương lai khi có nhiều lực tuôn vào địa cầu kích thích trí tuệ, một số người do bản chất không sử dụng được đúng cách những lực ấy, sinh ra lỗi nhịp giữa các thể và mắc chứng rối loạn thần kinh. Nói khác đi, bệnh tâm thần có khuynh hướng gia tăng trong thời Bảo Bình.

Những tiến bộ nói ở trên của tân kỷ nguyên là nét tinh thần cao, đi đôi với nó là một số nét thấp và là chuyện không tránh được. Nét thấp của sự tổng hợp trong Bảo Bình biểu lộ vào thế chiến thứ hai, khi Hitler thống nhất các sắc dân Đức vào một khối, với ý định sau đó tổng hợp Âu Châu thành một lực lượng mà Đức là nước lãnh đạo, và khối ấy sẽ phục vụ cho quyền lợi nước Đức. Tại Á Châu, Nhật cũng có kế hoạch tương tự là Đại Đông Á, đoàn kết những nước Á Châu mà Nhật sẽ đứng đầu.

    Sự kiện thế giới có nhiều nhà độc tài sau thế chiến II một phần là do các thuộc địa được độc lập sau 1945, tạo cơ hội cho người có khả năng và có tham vọng nắm quyền. Điểm nổi bật của họ là thống nhất sức sống của quốc gia, vạch mục tiêu và hướng đi cho nó.Sự việc cho thấy khuynh hướng kết hợp, hòa lẫn, đang thể hiện dù với ý không lành, bởi nó hướng về hình thể, vật chất đối nghịch với tinh thần. Bây giờ, khác với ý định của Nhật và Đức, sự kết hợp theo thiên cơ không xẩy ra quanh một nước, mà dựa trên lý tưởng của tình huynh đệ, thiện chí và tự do cho mọi người. Một ý tỏ lộ sự biến dạng ích kỷ và đầy óc vật chất của tinh thần kết hợp, ý kia nhắm tới mục đích tinh thần.

Sau chót, có sự liên quan ít được biết tới giữa triết lý của Krishnamurti và thời Bảo Bình. Ta đã biết đức Phật trước kia giữ chức vụ Huấn Sư Thế Giới (The World Teacher), và ngày nay Vị đảm nhiệm phần việc ấy là đức Di Lặc (đức Chúa). Hiện giờ nhân loại đang mong chờ sự tái xuất hiện của Ngài, và một số lớn tin rằng Ngài sẽ dùng phương cách như ở Palestine khi xưa, nhưng nếu tin vậy thì ta đã quên việc Ngài có thể bị Karma hạn chế trong khi lựa chọn tác nhân để xuất hiện, bởi Ngài chỉ được phép dùng cơ thể mà những vị thần Karma đã chọn lựa, và thân xác ấy phải biểu lộ đặc tính của tân kỷ nguyên thay vì của thời Song Ngư hai ngàn năm trước.

Cái khác biệt chính yếu giữa hai thời đại là con người sẽ học để từ bỏ thế giới tình cảm, bước vào cõi trí tuệ. Trọn nền văn minh tây phương đã theo chiều hướng ấy, trước khi Krishnamurti xuất hiện và được công bố là tác nhân cho Ngài sử dụng. Về một số mặt ông chưa được huấn luyện để đóng vai trò bậc Huấn Sư tinh thần, nhưng trong vòng giới hạn của tâm thức Krishnamurti, khi làm việc qua ông Ngài gắng sức đặt đường hướng của tương lai, hầu ai bước theo có thể tiến sâu hơn vào cõi trực giác.

Theo chiêm tinh học, đặc tính của Krishnamurti không thể hòa hợp với cách làm việc của thời Song Ngư, ông coi sùng tín là tật xấu, không hề nhận mình là thầy và cũng luôn xác nhận là không muốn có ai làm đệ tử. Ông chối bỏ những giá trị, hình thức cũ, nên có vẻ như hoạt động của ông nhằm phá bỏ niềm tin con người. Lại nữa, khi làm vậy ông được các đại thiên thần không khí trợ lực.Các vị này chịu sự hướng dẫn của những vị thần nhân quả, và đang giúp con người hướng về việc mở mang tinh thần thay vì đi tìm thắng lợi vật chất.

Để hợp tác trọn vẹn hơn với thiên thần, Krishnamurti nhận chứng đạo (initiation - điểm đạo) theo đường tiến hóa của các vị ấy. Do thế, bản tính chủ yếu của thiên thần ảnh hưởng sâu đậm tới quan điểm của Krishnamurti, mà bản tính ấy vốn là tác nhân thi hành luật Karma nên sự vô tình, không ràng buộc quyến luyến (nơi con người ta gọi là dửng dưng, lạnh lùng), khiến cho ông có vẻ thiếu thiện cảm, và đôi khi, ngay cả bất nhân. Triết lý của ông thẳng thắn đến mức tàn nhẫn:

- Truth is no comfort (ta hãy so sánh lời này với câu của đức Chúa: kẻ nào mệt mỏi vì gánh nặng cuộc đời hãy đến với Ta, vì ách ta nhẹ nhàng…).

Ông gọi tôn giáo là cây nạng mà người tìm chân lý phải vứt bỏ, tự mình bước đi.Tư tưởng như thế hợp lý... với ai có trình độ như ông, mà lại quá mạnh với người sơ cơ, hơn nữa, từ khi ông gắng sức mạnh mẽ để qua những lần chứng đạo ấy, Đức Di Lặc không còn có thể dùng ông làm trung gian được nữa. Bắt đầu ở thập niên 1930, ông phát triển  theo đường lối mới của mình, một số người cảm biết sự chuyển hướng mà không rõ lý do, cho rằng việc mượn xác đã thất bại, hay việc tái xuất hiện đã diễn biến sai.

Mỗi đặc tính trong khoa chiêm tinh đều có giới hạn của nó. Với Bảo Bình là khuynh hướng thiên nhiều vào nội tâm, cảm thấy mình đầy đủ tự tại, và do đó không chịu tiếp xúc với các người khác, mất cơ hội thân cận rồi trở nên xa lạ với đường phát triển  của họ. Thành ra, tuy Krishnamurti có lý khi nhấn mạnh sự cần thiết phải độc lập về mặt tư tưởng, ông đã sai khi cho là bất cứ ai - dù Karma ra sao,  có khuyết điểm nào trong người hiện giờ - cũng có thể tức tốc đạt tới mức mà chính ông chỉ tới được sau khi phải nỗ lực nhiều kiếp, cộng thêm sự trợ giúp của những lực vũ trụ quy tụ vào người ông, chỉ nhằm việc chuẩn bị ông cho vai trò người tuyên bố mở màn tân kỷ nguyên.

Vì đi quá mức như vậy, Krishnamurti đã gây hoang mang, rối trí cho nhiều người, và có phản ứng là đáng lẽ các đấng cao cả phải thấy trước cùng ngăn chặn điều ấy. Hẳn là các Ngài thấy trước, nhưng các Ngài không có quyền cản trở luật Karma tác động. Không bao giờ các Ngài ngăn chặn để con người tránh lỗi lầm, mà khi nào có thể được, luôn tìm cách biến hậu quả thành chuyện lành.

Vậy thì từ sự đổ vỡ của tín điều, truyền thống và niềm tin, của những chỉ dạy vớ vẩn, từ sự hoài nghi, hỗn loạn, và dằn vặt nội tâm, lòng người nẩy sinh quyết tâm mới mẻ là tập luyện chính mình hầu thủ đắc những khả năng, cho phép họ tiếp xúc được với Chân Sư và Thượng đế nhờ chính nỗ lực của mình. Bởi vậy, khi đức Di Lặc tái xuất hiện, chẳng những Ngài sẽ đến với các nhóm tổ chức thực tâm làm việc cho tình huynh đệ, mà Ngài  còn đến trong tim tất cả những ai khao khát muốn tiếp đón, và có trực giác đủ mạnh để nhận ra Ngài. Kỳ xuống trần này không giới hạn vào một thân xác hay trung gian được chuẩn bị sẵn, mà bất cứ nơi nào có con tim đầy ước vọng, thì đó là trung gian và tác nhân cho Ngài xử dụng.

Buổi đầu của mọi chuyện đều làm người phấn khởi, tựa như bình minh trong trẻo hứa hẹn lắm điều thích thú, hay, đẹp trong ngày. Ta đang ở trong thời kỳ hào hứng ấy, óc lạc quan sôi nổi khiến ta tin rằng chuyện gì cũng có thể làm được và những ước mơ đẹp đẽ nhất của tân kỷ nguyên dù gặp khó khăn rồi cũng sẽ thành.

 

Bình Minh

Sách tham khảo:

A Treatise on White Magic (A. A. Bailey)
Esoteric Psychology (A. A. Bailey)
The Externalisation of the Hierarchy (A. A. Bailey)
Through the Eyes of The Masters (David Anrias)